Blogger Widgets

Friday, June 29, 2012

“Phong bao, phong bì” và…nợ xấu ngân hàng

 Không nên giao việc điều hành công ty mua bán nợ xử lý 100.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng cho các tổ chức hành chính, vì đã là hành chính thì như chúng ta thấy, có hiện tượng “phong bao, phong bì”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh điều này và nêu rõ, nếu thành lập công ty mua bán nợ, cần bảo đảm cho nó hoạt động an toàn, mua nợ với giá thực tế, và có thể bán lại. Không được thành lập công ty theo kiểu nhà nước, công chức, viên chức. Vì chúng ta thấy thực tế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là như thế nào rồi.Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần đề phòng việc công ty mua bán nợ sẽ dùng tiền mua sản phẩm dưới chuẩn, không chất lượng tạo ra những vấn đề khác không giải quyết được. Càng không thể biến công ty này thành nơi để ngân hàng làm sạch những khoản đầu tư không chính đáng ở “sân sau” của họ.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, không nên thành lập công ty theo kiểu nhà nước với cơ chế xin - cho. Ngoài ra, cần phải lường trước được nguy cơ, khi thấy có công ty mua bán nợ, nhóm lợi ích ngân hàng sẽ “quét nhà”, đùn hết nợ sang để lấy tiền. Bán được nợ xấu, nợ thối thì ngân hàng “phủi tay”, còn nó xấu, nợ thối bao nhiêu, thì Nhà nước phải chịu. Các NHTM và NHNN cùng hào hứng vì đẩy được “nợ thối” qua các công ty mua bán nợ này. Và nếu Nhà nước không có giải pháp hữu hiệu thì công ty mua bán nợ được thành lập từ nguồn ngân sách quốc gia sẽ là một “sọt rác” để nhiều DNNN và NHTM làm ăn lèm nhèm có nơi để… “đổ vỏ”. Cũng cần thấy rằng, ngân sách Nhà nước chính là tiền của nhân dân và không thể để nhân dân chịu thua thiệt khi tiếp tục gánh nợ cho những “đại gia ném tiền qua cửa sổ”!

Theo Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, chưa ai nói số tiền 100.000 tỷ đồng sẽ lấy ở đâu, tổ chức công ty như thế nào, ai quản trị. Nhưng dù Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Tài chính đứng ra tổ chức, công ty này cũng phải hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh thực sự. Nghĩa là khi mua nợ thì phải mua đúng giá và bán có lời. Vì nếu kinh doanh mua bán nợ xấu mà không có lãi, thì ai mua. Mà lỗ lại hại ngân sách, do đó phải là công ty kinh doanh. Nhà nước có thể tạo điều kiện bằng cách cung cấp một số vốn, nhưng không phải Nhà nước đứng ra mua để gánh nợ xấu cho ngân hàng.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói thẳng, Chính phủ không có nhiệm vụ phải mua lại nợ xấu của NH. Hiện trong hệ thống tài chính tồn tại những NH lại là sân sau của một số đại gia nào đó, huy động vốn trong nhân dân để cho vay dự án của mình. NHNN cũng đã thấy hiện tượng đó rồi, những trường hợp này lên tới 60-70% nợ xấu. NHNN phải khoanh các đối tượng này, giám sát chặt chẽ.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, vấn đề là Chính phủ phải xác định rõ mục tiêu mua nợ xấu để làm gì? Nếu để ra lợi nhuận thì phải tính toán. Còn nếu để cứu nền kinh tế, thì cần đạt mục tiêu bảo toàn vốn đã bỏ ra và khơi thông dòng vốn cho ngân hàng.
Nợ xấu gia tăng quá cao trong hệ thống tài chính gây ra những hệ lụy, đây cũng được coi là nguyên nhân chính khiến dòng vốn bị ứ đọng trong nhà băng, nảy sinh nghịch lý NH thì thừa tiền, DN thì khốn khổ, chạy vạy đủ kiểu cũng không thể với tới vốn vay.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nợ xấu của hệ thống NH hiện đã tăng lên mức 10%. Tăng tới hơn 6% so với những công bố trước đây của cơ quan quản lý tiền tệ. Những đánh giá độc lập của các hãng xếp hạng tín nhiệm trước đây, như Fitch Ratings trong đánh giá độc lập của mình cho rằng nợ xấu hệ thống NH Việt Nam khoảng 13% tổng dư nợ; hay Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong công bố mới nhất cũng đưa ra mức dự báo nợ không có khả năng thu hồi của khối NH dao động 8,25-14,01%...

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu rõ ông không mấy bất ngờ về con số nợ xấu mà Thống đốc NHNN công bố và cũng không bất ngờ về sự khác biệt các con số nợ xấu này, vì NHNN cũng đã có báo cáo Chính phủ việc này rồi. Nếu căn cứ theo khai báo của các NH thì dự nợ xấu chỉ như vậy, nhưng qua thanh tra, kiểm tra thực tế thì mức nợ xấu cao hơn khai báo nhiều lần. Đây là phần trách nhiệm của NHNN, phải xác định được nợ xấu thực sự là bao nhiêu, từ đó, quản lý được rủi ro trong hệ thống.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC, ông Sumit Dutta cho rằng, theo kinh nghiệm trong việc xử lý nợ xấu từ các nước trong khu vực và trên thế giới, nếu công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước được thành lập thì công ty đó nên hoạt động độc lập và không chịu ảnh hưởng của bất kỳ nhóm lợi ích nào.

Nếu có sự can thiệp của các nhóm lợi ích, AMC rất dễ rơi vào tình trạng mua nợ xấu ở giá cao hơn rất nhiều giá thị trường nhằm giúp nhóm lợi ích chuyển nợ xấu đi. Bên cạnh đó, cũng cần có những cam kết hỗ trợ về mặt tài chính của Chính phủ cho công ty này. Bởi, vốn là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động, đến việc chia sẻ lỗ giữa các bên và sự phát triển của thị trường trái phiếu.

Thông thường, Chính phủ các nước sẽ cấp vốn trực tiếp từ ngân sách. Nếu AMC phải phát hành trái phiếu trực tiếp, Chính phủ cần đứng ra bảo lãnh trái phiếu này để tăng sức mạnh tài chính của AMC và của ngân hàng nắm giữ trái phiếu này. Các AMC cũng thường được cấp một thẩm quyền đặc biệt để thực thi hoạt động của mình một cách hiệu quả nhất.

Ví dụ, một số AMC có quyền tịch thu tài sản của con nợ không chịu hợp tác mà không cần đến phán quyết của toà án.

Ngoài ra, khi thành lập AMC để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam hiện nay cần lưu ý đến những điểm sau:

Một là thị trường vốn hoạt động hiệu quả: Một thị trường vốn họat động hiệu quả sẽ hỗ trợ việc bán tài sản. Ngoài ra, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua tài sản từ các AMC sẽ đẩy nhanh tốc độ giải quyết nợ xấu đặc biệt khi thị trường vốn trong nước chưa phát triển.

Hai là thẩm quyền rõ ràng của AMC: AMC cần phải có mục tiêu và quy trình rõ ràng cho hoạt động của mình như loại tài sản sẽ mua, phương pháp xử lý nợ.

Ba là thời hạn hoạt động của AMC: Thời gian hoạt động của AMC không thể quá dài để tránh trường hợp AMC vẫn giữ nợ xấu trong một thời gian dài do sợ phải bán lỗ. Ngoài ra, thị trường sẽ có thể kiểm chứng hiệu quả hoạt động của AMC. Thông thường các AMC có thời gian hoạt động từ 5 – 12 năm.

Bốn là cơ chế quản trị phù hợp: một cơ chế quản trị phù hợp của AMC hết sức quan trọng để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn của xã hội và việc giải quyết nợ xấu nhanh chóng. Thông thường AMC sẽ phải báo cáo cho Ngân hàng Trung ương hoặc Bộ Tài chính hoặc cả hai. AMC cần phải có một hệ thống quản trị nội bộ hiệu quả, sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và kết quả họat động cần được kiểm toán thường xuyên bởi một công ty kiểm toán độc lập.

Năm là sự minh bạch: AMC cần công bố báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán hàng năm ra thị trường. Các thông tin công bố cần phải rõ ràng và dễ hiểu cho thị trường và đại chúng.

Sáu là giá mua nợ xấu hợp lý: có hai cách được áp dụng trong khu vực: mua nợ xấu theo giá trị sổ sách hoặc theo giá thị trường. Nợ nên được mua bán theo giá thị trường đặc biệt cho các ngân hàng cổ phần vì sẽ không tạo nên tiền lệ xấu cho thị trường và giảm chi phí cho người đóng thuế.

Văn Khoa
Tầm nhìn 

2 comments:

Anonymous said...

Ở Việt Nam có một phong bì hiệu quả nhất là phong bì"Sex có thể tặng cho các xếp một em hoa hậu hoặc chân dài tùy theo hợp đồng có giá trị hay không" và cộng thêm một phong bì Tiền

Anonymous said...

Quá đúng !!!